Khi thành phố đáng sống hiện ra dưới bánh xe
Du lịch Đà Nẵng không chỉ là check-in cầu Rồng hay tắm biển Mỹ Khê. Với một chiếc xe máy hoặc xe đạp, bạn có thể tự mình khám phá một Đà Nẵng rất khác – tự do, hoang sơ và đầy bất ngờ. Hành trình solo trên hai bánh không chỉ là một chuyến đi, mà còn là cách để cảm nhận rõ hơn từng nhịp sống nơi đây.
Tôi sẽ gợi ý cho bạn hành trình 1 ngày khám phá Đà Nẵng bằng xe hai bánh.
Đón bình minh ở bãi biển Mỹ Khê – 5h30 sáng
Bình minh trên biển Mỹ Khê – Đà Nẵng là khoảnh khắc tuyệt đẹp khi mặt trời từ từ nhô lên từ đường chân trời, nhuộm vàng cả bầu trời và mặt biển. Ánh sáng nhẹ nhàng phản chiếu trên làn nước trong xanh, tạo nên khung cảnh yên bình, thơ mộng. Đây là thời điểm lý tưởng để dạo bước trên cát, hít thở không khí trong lành và cảm nhận vẻ đẹp tinh khôi của thiên nhiên nơi phố biển.
Bình minh trên biển Mỹ Khê (ảnh: sưu tầm)
Biển Mỹ Khê vào sáng sớm đông người dân địa phương tập thể dục, tắm biển – một khung cảnh rất “real” của Đà Nẵng. Du khách nên có mặt tại biển Mỹ Khê từ 4h45 đến 5h15 sáng để kịp đón khoảnh khắc bình minh tuyệt đẹp, khi mặt trời bắt đầu ló dạng và bầu trời chuyển sắc rực rỡ. Chạy dọc theo con đường Võ Nguyên Giáp, không khí mát lạnh, yên bình.
(ảnh: sưu tầm)
Bán đảo Sơn Trà: Cung đường mê đắm – 7h
Bắt đầu 7h sáng trên bán đảo Sơn Trà, bạn sẽ được đón chào bằng không khí trong lành và khung cảnh thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp. Với cung đường quanh co, uốn lượn giữa rừng nguyên sinh, gió biển mơn man.
Dọc theo cung đường bán đảo Sơn Trà (ảnh: sưu tầm)
Ghé thăm chùa Linh Ứng với tượng Phật Bà Quan Âm sừng sững hướng ra biển, bạn sẽ cảm nhận được sự yên bình và linh thiêng giữa đất trời. Ngôi chùa nổi bật với tượng Phật Bà Quan Âm cao 67m, được xem là tượng Phật cao nhất Việt Nam, lưng tựa núi, mặt hướng biển, tạo nên khung cảnh hùng vĩ và yên bình.
Tượng phật Bồ Tát Quan Thế Âm (ảnh: sưu tầm)
(ảnh: sưu tầm)
Tiếp tục hành trình, du khách có thể ghé thăm cây đa ngàn năm tuổi, nằm ở tiểu khu 63 của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Cây đa này cao 22m, với chu vi thân chính và cụm thân phụ lên đến 85m, được công nhận là cây di sản vào năm 2014. Đây là điểm check-in lý tưởng cho những ai yêu thích thiên nhiên và muốn tìm hiểu về hệ sinh thái độc đáo của bán đảo Sơn Trà.
Biểu tượng của sự sống bất diệt (ảnh: sưu tầm)
(ảnh: sưu tầm)
Ngoài ra, bạn còn có thể khám phá đỉnh Bàn Cờ, là “nóc nhà” của Đà Nẵng, nằm trên bán đảo Sơn Trà ở độ cao khoảng 700m. Từ đây, bạn có thể phóng tầm mắt ngắm trọn vẻ đẹp của thành phố và biển trời mênh mông. Nơi này nổi bật với tượng Tiên Ông đang ngồi đánh cờ, gắn liền với truyền thuyết thú vị, là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích thiên nhiên và muốn chinh phục độ cao.
Ông tiên đang suy nghĩ nước cờ (ảnh: sưu tầm)
Bạn nên chuẩn bị nước uống và đồ ăn, phải có bạn đồng hành để tránh trường hợp xấu xảy ra, vì đây là 1 quãng đường dài và dốc thẳng đứng. Lưu ý để lên được điểm này bạn chỉ được phép đi xe đạp, hoặc xe gắn máy, không được điều khiển xe tay ga.
Ăn trưa như người địa phương – 11h30
Sau khi khám phá bán đảo Sơn Trà, du khách có thể thưởng thức ẩm thực địa phương tại một số quán ăn nổi bật sau:
Quán bún chả cá Bà Lữ : 85 Khúc Hạo, Sơn Trà
Bún chả cá- món ăn bình dân (ảnh: review ẩm thực)
Mì quảng Bà Mua : 153 Võ Văn Kiệt, Sơn Trà
Thực đơn đa dạng (ảnh: sưu tầm)
Bún mắm Vân : 23/14 Trần Kế Xương, gần cầu Rồng (cách Sơn Trà khoảng 10 phút)
Hòa mình như người bản địa cùng món bún mắm (ảnh: sưu tầm)
Bánh canh ruộng Cô Cúc : Bùi Dương Lịch, Sơn Trà
Bánh canh ruộng nức tiếng hơn 20 năm (ảnh: sưu tầm)
Trải nghiệm làng Vân: chốn bình yên bị lãng quên – 13h chiều
Làng Vân là một ngôi làng nhỏ, nằm nép mình dưới chân đèo Hải Vân, tách biệt hoàn toàn với thành phố Đà Nẵng náo nhiệt. Trước đây, nơi đây từng là khu định cư dành cho người mắc bệnh phong, nhưng giờ đã trở thành một điểm đến hoang sơ, bình yên và đầy quyến rũ.
(ảnh: sưu tầm)
Cách đi: Gửi xe ở chân đèo, đi bộ hoặc xe máy men theo đường mòn tầm 30 phút là đến. Đến đây, du khách như được “trốn khỏi thế giới”, tận hưởng không khí trong lành, lắng nghe tiếng sóng vỗ, và trải nghiệm cảm giác cắm trại giữa thiên nhiên nguyên sơ. Đặc biệt, đường vào làng phải đi bộ hoặc trekking qua đường mòn, tăng thêm phần hấp dẫn cho những ai yêu khám phá và thích cảm giác phiêu lưu.
Trekking qua đường mòn (ảnh: sưu tầm)
(ảnh: sưu tầm)
Làng Vân không chỉ là nơi để nghỉ ngơi, mà còn là một lát cắt yên bình giữa nhịp sống hiện đại, rất đáng để ghé thăm một lần trong đời. (lưu ý: nơi đây không có dịch vụ, bạn nên mang theo đồ ăn, nước uống để tiếp sức)
Hải Vân Quan: Cổng trời giữa mây gió – 16h chiều
Sau khi khám phá làng Vân vào buổi chiều, khoảng 16h là thời điểm lý tưởng để du khách tiếp tục hành trình chinh phục Hải Vân Quan – nơi được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.
Hải Vân Quan sau khi được trùng tu (ảnh: báo thanh niên)
Từ làng Vân, men theo cung đường đèo uốn lượn, bạn sẽ đến được đỉnh đèo Hải Vân – nơi giao thoa giữa trời, đất, núi và biển. Tại đây, Hải Vân Quan hiện ra sừng sững giữa mây trời, mang đậm dấu ấn lịch sử từ thời nhà Nguyễn.
(ảnh: báo thanh niên)
Đứng từ trên cao, bạn có thể phóng tầm mắt ngắm toàn cảnh vịnh Lăng Cô, bán đảo Sơn Trà và thành phố Đà Nẵng phía xa xa, đặc biệt đẹp khi hoàng hôn buông xuống, nhuộm cam cả bầu trời. Đây là điểm dừng chân lý tưởng để kết thúc một ngày khám phá đầy cảm xúc, với thiên nhiên hùng vĩ và chiều sâu văn hóa – lịch sử.
Trở về trung tâm, hoàng hôn bên sông Hàn – 18h tối
Ngắm hoàng hôn bên sông Hàn ở chân cầu Thuận Phước là một trải nghiệm lặng lẽ nhưng đầy thi vị. Đây là cây cầu dây văng dài nhất Việt Nam, nằm ở nơi sông Hàn đổ ra biển, nên khung cảnh nơi đây luôn rộng mở, thoáng đãng và cực kỳ ấn tượng lúc chiều buông.
Địa điểm ngắm hoàng hôn được giới trẻ săn đón nhất hiện nay (ảnh: sưu tầm)
Từ chân cầu, bạn có thể thấy mặt trời lặn dần sau những dãy núi phía Tây, ánh sáng cuối ngày trải dài trên mặt nước lấp lánh, tạo nên một khung cảnh yên bình và lãng mạn. Gió sông nhẹ thổi, không khí dịu mát, rất thích hợp để thư giãn sau một ngày dài khám phá.
Đây cũng là một trong những điểm chụp ảnh hoàng hôn đẹp, ít đông đúc, lý tưởng cho những ai yêu thích sự tĩnh lặng và vẻ đẹp nhẹ nhàng của Đà Nẵng lúc chiều tà.
Lưu ý cho hành trình “hai bánh” tại Đà Nẵng
-
Xe đạp: Có thể thuê tại các cửa hàng gần biển Mỹ Khê, giá từ 50k/ngày
-
Xe máy: Rất nhiều chỗ cho thuê, giá khoảng 100k–150k/ngày
-
Đường ở Sơn Trà và Hải Vân khá dốc, nên kiểm tra xe kỹ trước khi đi
-
Mang theo nước, nón bảo hiểm, áo khoác nhẹ và sạc dự phòng
-
Tôn trọng thiên nhiên – không xả rác, không xâm hại môi trường