Bạn đã bao giờ đứng giữa tầng mây trắng bồng bềnh, phóng tầm mắt ngắm trọn vùng đất Tây Ninh rộng lớn từ độ cao gần 1.000 mét? Nếu chưa, hãy một lần đặt chân đến Núi Bà Đen – nơi không chỉ mang vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên mà còn ẩn chứa những truyền thuyết linh thiêng và trải nghiệm du lịch hiện đại đầy cuốn hút.
Đôi nét về Núi Bà Đen
Tên gốc của núi Bà Đen là Bà Dinh. Những bậc kỳ lão địa phương thì cho rằng tên gốc là núi Một. Đến khoảng nửa thế kỷ XVIII mới xuất hiện tên gọi núi Bà Đênh, sau gọi trại dần thành núi Bà Đen. Cũng có người gọi là núi Điện Bà. Trong chiến tranh Việt Nam khu vực xung quanh núi là một điểm nóng khi là nơi đường mòn Hồ Chí Minh kết thúc và cách biên giới Campuchia vài km về phía Tây. Khu vực này thực chất là một cụm gồm ba núi nằm liền kề nhau là Núi Bà Đen (còn được gọi tắt là Núi Bà), Núi Heo và Núi Phụng trên tổng diện tích 24 km². Quần thể Núi Bà Đen được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử và danh thắng cấp quốc gia vào ngày 21 tháng 1 năm 1989 .
Nằm cách trung tâm TP. Tây Ninh khoảng 11 km về phía Đông Bắc, Núi Bà Đen từ lâu đã trở thành biểu tượng du lịch nổi bật không chỉ của Tây Ninh mà còn của cả vùng Đông Nam Bộ. Với độ cao 986 mét, đây là ngọn núi cao nhất Nam Bộ, được mệnh danh là “Nóc nhà Nam Bộ”, là nơi hội tụ linh khí thiên địa và cũng là nơi trao gửi niềm tin của nhiều Phật Tử miền Nam , hội tụ cả vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ và các hoạt động du lịch hiện đại, hấp dẫn.
Huyền thoại linh thiêng
Núi Bà Đen không chỉ nổi tiếng với nhiều cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp mà còn bởi nhiều huyền thoại kỳ bí, được người dân lưu truyền bao đời nay, từ chuyện rắn thần hiển linh, cậu Bảy – thần núi cho đến câu chuyện về người con gái c.h.ế.t oan, quay về báo mộng hiển linh, cứu nhân độ thế và đem lại nhiều may mắn, tài lộc cho chúng sinh. Câu chuyện huyền thoại luôn lôi cuốn du khách khi đến với địa danh tâm linh này, đó chính là sự tích về Bà Đen – nàng Lý Thị Thiên Hương – một người con gái kiên trung, trinh tiết, đã hy sinh vì tín ngưỡng và tình yêu, trở thành biểu tượng linh thiêng trong lòng người dân, con gái của ông Lý Thiện – quan trấn nhậm Trảng Bàng triều Nguyễn và bà Đặng Ngọc Phụng – một người phụ nữ gốc Bình Định. Trên đỉnh và lưng chừng núi hiện nay còn lưu giữ nhiều ngôi chùa cổ kính như Chùa Bà Đen, Chùa Hang, Chùa Trung – nơi hàng triệu lượt khách hành hương mỗi năm tìm về chiêm bái và cầu an.
Vẻ Đẹp Thiên Nhiên Ngoạn Mục
Không chỉ là điểm đến tâm linh, Núi Bà Đen còn sở hữu cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Với hệ sinh thái đa dạng, không khí trong lành và tầm nhìn bao quát khắp vùng đất Tây Ninh, nơi đây là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích leo núi, dã ngoại và khám phá thiên nhiên. Vào mùa mây, du khách còn có thể săn được khoảnh khắc “biển mây” mơ màng như chốn bồng lai.
Điểm du lịch tâm linh không thể bỏ qua khi đến Núi Bà Đen
Tượng Phật Thích ca Mâu Ni Niết Bàn
– Vị trí tọa lạc : Khu vực Quần thể chùa , phía sau Linh Sơn Tiên Thạch Tự
– Đặc trưng về kiến trúc : Tượng có màu trắng tinh khôi, đặt trên một bệ nằm điêu khắc phù điêu tinh xảo, xung quanh là một vọng gác hướng ra bầu trời mênh mông.
– Ý nghĩa về văn hóa – tâm linh : Là biểu tượng của lòng từ bi , sự bình thản , giác ngộ chấn lý
Linh Sơn Tiên Thạch Tự ( Chùa Bà )
Nằm ở trung tâm quần thể chùa, Linh Sơn Tiên Thạch Tự mang nét đẹp cổ kính, gắn bó mật thiết với đời sống tâm linh của cư dân bản địa trong hơn 300 năm. Không gian Linh Sơn Tiên Thạch Tự chia thành nhiều khu vực thờ cúng từ sân trước đặt tượng Bồ Tát Quan Âm, tiền đường thờ Tiêu Diện, tầng trên nghi ngút nhang khói và chánh điện bố trí “tiền Phật hậu Tổ”.
– Vị trí tọa lạc : Trung tâm quần thể Chùa , giữa Điện Bà và nhà Tổ
– Đặc trưng về kiến trúc : Ngôi chùa có kiến trúc mái đao chạm khắc họa tiết rồng lượn mây bay, nhiều cột kèo, gian thờ sơn son thếp vàng mãn nhãn. Kết hợp hài hòa kiến trúc của nhiều danh lam cổ tự theo hệ Phật giáo Bắc tông
– Ý nghĩa về văn hóa – tâm linh : Cầu nguyện sức khỏe, tài lộc, công danh, mùa màng tươi tốt và hiểu thêm về triết lý Phật giáo Bắc tông. Thờ cúng các vị Phật , Bồ Tát và Tổ Sư có công khai sơn lập tự
Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn
Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn ngự trên đỉnh thiên sơn Bà Đen, gây ấn tượng với chiều cao 72m và đúc từ 170 tấn đồng đỏ. Lấy cảm hứng từ tượng Phật thời Lê, các nghệ nhân đã thêm thắt cho công trình nhiều họa tiết, hoa văn ý nghĩa, tạo nên sự khác biệt so với tượng Phật của các quốc gia khác .
– Vị trí tọa lạc : Khu vực Đỉnh núi , đặt tại Quảng Trường
– Đặc trưng về kiến trúc : Cảm hứng dựa trên nguyên mẫu của tượng Phật Thời Lê tuy nhiên đã thêm thắt cho công trình họa tiết , hoa văn ý nghĩa khác nhau tạo nên sự khác biệt . Được xác lập kỷ lục ” Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Châu Á tọa lạc trên đỉnh núi ”
– Ý nghĩa về văn hóa – tâm linh : Là biểu tượng của lòng từ bi , tượng hướng mắt về phía xa xăm, nguyện cầu phúc khí cho mảnh đất và con người Tây Ninh.
Trụ Kinh Bát Nhã
Đi xuống lòng đất bằng thang cuốn dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, bạn sẽ khám phá 5 Trụ Kinh Bát Nhã tỏa sáng lấp lánh. Mỗi Trụ Kinh đều được xây dựng từ đá granite kim sa, khắc chữ Tây Tạng dát vàng óng ánh như cái nhìn sâu sắc với vạn vật, nhìn thấu nhiều kiến thức cuộc sống. Trụ Kinh trung tâm cao 19,8m vươn thẳng lên quảng trường và được bao bọc bởi một đài nước đẹp mắt.
– Vị trí tọa lạc : Khu vực Đỉnh núi , tầng 1 Nghệ thuật Phật Giáo , dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn
– Đặc trưng về kiến trúc : Được xây dựng từ đá granite kim sa, khắc 12.000 chữ Tây Tạng dát vàng óng ánh như cái nhìn sâu sắc với vạn vật, nhìn thấu nhiều kiến thức cuộc sống
– Ý nghĩa về văn hóa – tâm linh : Đối với những tín đồ sùng đạo, những dòng kinh Bát Nhã truyền tải ý nghĩa tâm linh sâu sắc, là ngọn đuốc soi đường cho quá trình tu tập, khơi dậy chánh niệm và hướng về lối sống tốt đời, đẹp đạo. Công trình không chỉ có giá trị tham quan, chiêm ngắm mà còn là khu vực linh thiêng, thường xuyên diễn ra các nghi thức Phật giáo long trọng
Trung tâm triễn lãm Phật Giáo
Từ quảng trường dưới chân tượng Phật Bà đi lên qua lối thang máy hoặc thang bộ, bạn sẽ lạc vào trung tâm triển lãm Phật giáo với diện tích lên đến 4.410m2. Đây là nơi trưng bày hàng trăm mẫu vật như tượng đồng, tranh ảnh, phù điêu… tạo nên không gian đậm chất nghệ thuật.
– Vị trí tọa lạc : Khu vực Đỉnh núi dưới chân tượng Phật Bà
– Đặc trưng về kiến trúc : Được thiết kế hiện đại với nội thất làm từ 3 loại đá , Tại khu vực đại sảnh mái vòm tầng 1, bạn có thể chiêm nghiệm sự hình thành của vũ trụ trong quan niệm Phật giáo qua công nghệ trình chiếu 3D mapping.
– Ý nghĩa về văn hóa – tâm linh : Trung tâm triển lãm cũng là nơi tôn trí Xá Lợi Đức Phật trân quý, cầu nguyện quốc thái dân an. Xá Lợi tỏa sáng trong bảo tháp pha lê lưu ly giữa những bức tường nước và tranh chữ Phạn, gieo duyên lành Phật pháp đến khách hành hương khi dừng chân ghé lại núi Bà Tây Ninh.
Vườn Vô Ngã
Đi từ Trụ Kinh Bát Nhã theo lối thang cuốn, bạn sẽ bắt gặp khu vườn Vô Ngã có diện tích lên đến 1.500m2, trang trí cỏ cây hoa lá và những bức tượng chú tiểu hoan hỷ, an nhiên. Công trình được thiết kế từ những vật liệu thiên nhiên quen thuộc, tạo nên những hòn non bộ, lối nhỏ quanh co, thác nước tuần hoàn hay hồ vô cực phân tầng độc đáo
– Vị trí tọa lạc : Khu vực Đỉnh , bên cạnh Trụ Kinh Bát Nhã
– Đặc trưng về kiến trúc : Được thiết kế hiện đại với phong cách vườn bonsai kết hợp với tiểu cảnh mặt trang ( Yển Nguyệt ) cao nhất của tỉnh
– Ý nghĩa về văn hóa – tâm linh : Giúp du khách tập trung tinh thần, giải tỏa những phiền muộn chất chứa lâu ngày. Giúp tĩnh tâm, thiền định sau hành trình tham quan núi Bà. Khuôn mặt vô ưu, vô lo của những chú tiểu ngộ nghĩnh, đáng yêu, đem đến trường năng lượng lạc quan, góp phần tạo nên môi trường thiền định lý tưởng và giúp tín đồ sùng đạo đạt đến trạng thái “vô ngã”.
Tôn Tượng Bồ Tát Di Lặc
Ngày 28/01/2024, lễ an vị Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc trên đỉnh núi Bà Đen đã chính thức đánh dấu sự ra đời của một công trình tầm cỡ thế giới nhân dịp Tết Giáp Thìn. Tôn tượng khổng lồ có chiều cao 36m, nặng 5.112 tấn và ghép từ hàng ngàn viên đá sa thạch chế tác thủ công. Vị Phật tương lai mang nụ cười hoan hỉ, cổ đeo tràng hạt, ngồi trên thác nước nhân tạo và hướng mắt về phía mặt trời mọc. Để đến được vị trí của Tôn tượng Bồ Tát Di Lặc, du khách sẽ trải nghiệm cảm giác đi qua một hang động tự nhiên và đặt chân lên Cầu Ước – cây cầu tâm linh được lát gạch men ánh vàng, tạo hình vân mây uốn lượn mê hoặc.
– Vị trí tọa lạc : Khu vực Đỉnh , ngự trên thác nước nhân tạo ở phía Đông
– Đặc trưng về kiến trúc : Tôn tượng khổng lồ có chiều cao 36m, nặng 5.112 tấn và ghép từ 6.688 viên đá sa thạch chế tác thủ công theo cảm hứng ruộng bậc thang
– Ý nghĩa về văn hóa – tâm linh : Vị Phật mang nụ cười hoan hỉ, cổ đeo tràng hạt, ngồi trên thác nước nhân tạo và hướng mắt về phía mặt trời mọc. Đứng trước tôn tượng của Ngài, du khách có thể cầu sức khỏe, may mắn, tài lộc và sự thịnh vượng trường tồn cho đất nước, nhân dân.
Trải nghiệm Cáp treo hiện đại
Năm 2020, Tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng hệ thống cáp treo Sun World BaDen Mountain, giúp du khách dễ dàng tiếp cận các điểm tham quan trên núi một cách nhanh chóng, an toàn và đầy thú vị. Tuyến cáp treo dài gần 1.200m, đưa du khách qua những tầng mây trắng, chiêm ngưỡng toàn cảnh thiên nhiên hùng vĩ từ trên cao.
Ngoài ra, khu du lịch còn có các hạng mục hiện đại như: khu vui chơi, quảng trường nhạc nước, nhà hàng, khu check-in sống ảo, biểu diễn nghệ thuật,… đáp ứng mọi nhu cầu của du khách.
Các nhà ga tại Núi Bà Đen
Nhà Ga Bà Đen ( Ba Den Station )
Nằm ở khu vực chân núi gần cổng vào khu du lịch , nhà ga Bà Đen – nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới nằm phía tay trái, nơi đón tiếp hơn 5 triệu lượt khách đi cáp treo trong năm 2023. Đặc biệt, cụm mái lượn sóng màu vàng của nhà ga Bà Đen tượng trưng cho núi Bà Đen – núi Phụng – núi Heo. Năm trụ cột lớn tại sảnh trung tâm tựa như những thân cây cổ thụ đang vươn tán lá phủ lên khu rừng được cách điệu bằng các vật liệu vững chãi.
Nhà Ga Chùa Hang ( Chua Hang Station )
Nằm gần khu vực chùa , gần Điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu , Nằm giữa nhiều công trình tâm linh nổi tiếng trên lưng chừng núi nhưng thiết kế nhà ga Chùa Hang vẫn thể hiện được sự đồng điệu lạ thường. Toàn bộ nhà ga phủ lên lớp sơn vàng bắt mắt, các cụm mái đao có kích thước khác nhau chạm khắc hình rồng công phu, gạch lát nền mang hoa văn đặc trưng của trường phái Phật giáo Nam Bộ. Tất cả tạo nên một diện mạo “độc nhất vô nhị”
Nhà Ga Vân Sơn ( Van Son Station )
Nằm tại khu vực đỉnh núi theo hướng Tây Nam , nhà ga được ví như một vùng trời ” Châu Âu thu nhỏ ” . Công trình là sự pha trộn độc đáo giữa những đường cong, khung cửa, trụ cột phá cách – điểm nhấn trong kiến trúc của bậc thầy Gaudi và những mảng kính lập thể đa sắc của Tòa Thánh Cao Đài. Chất liệu nội thất làm từ đá sa thạch cao cấp càng tôn lên vẻ đẹp trang nhã, cổ điển của địa điểm này.
Nhà Ga Tâm An ( Tam An Station )
Nằm ở khu vực đỉnh núi , gần với nhà ga Vân Sơn , nhà ga Tâm An cũng được thiết kế dựa trên phong cách nghệ thuật đặc trưng của kiến trúc sư thiên tài Antoni Gaudi. Những đường cong mềm mại, mảng màu sắc sống động và các họa tiết bất đối xứng khơi gợi cảm hứng từ thiên nhiên và dẫn dắt du khách liên tưởng đến một nhà thờ mái vòm phương Tây vừa trang nghiêm, vừa tráng lệ.
Các lễ hội đặc sắc
Mỗi năm, Núi Bà Đen đón hàng triệu lượt khách vào dịp lễ hội, đặc biệt là Lễ hội Xuân Núi Bà diễn ra từ mùng 4 đến hết tháng Giêng âm lịch. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất miền Nam, thu hút đông đảo phật tử và khách thập phương đến chiêm bái, cầu bình an, tài lộc.
Núi Bà Đen không chỉ là điểm du lịch mang đậm nét tâm linh mà còn là nơi hòa quyện giữa thiên nhiên kỳ vĩ và dịch vụ hiện đại. Dù bạn là người hành hương, yêu thiên nhiên hay đam mê khám phá – Núi Bà Đen chắc chắn là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình chinh phục miền Đông Nam Bộ.